Thượng viện thông qua dự luật trừng phạt Nga, ông Donald Trump vào thế khó

Thượng viện Mỹ hôm 27-7 bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga, đẩy Tổng thống Donald Trump vào tình huống khó xử giữa việc cứng rắn với Nga và phủ quyết dự luật.

Với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, dự luật được thông qua với sự ủng hộ áp đảo từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dự luật cũng áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên và Iran.

Dự luật này làm tan những hy vọng của ông Donald Trump về mối quan hệ tốt hơn với Moscow trong lúc chính quyền của bị tổng thống Mỹ đối mặt cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 để ủng hộ ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đưa ra quyết định khó khăn. Ảnh: AP

Dự luật trên còn có một điều khoản cho phép quốc hội ngăn chặn mọi nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt hiện nay đối với Nga. Dự luật đang được gửi đến Nhà Trắng để ông Donald Trump phê duyệt hoặc phủ quyết.

Đây là chính sách ngoại giao quan trọng đầu tiên được quốc hội thông qua dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nếu ông Donald Trump chọn cách phủ quyết dự luật, dự luật dự kiến vẫn nhận đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện để có vượt qua sự phủ quyết của tổng thống và trở thành luật.

Trước đó, dự luật này được thông qua ở hạ viện với số phiếu thuận áp đảo là 419-3. Thượng nghị sĩ John McCain, một lãnh đạo quốc hội kêu gọi biện pháp cứng rắn chống lại Nga, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu: "Mỹ cần gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến ông Vladimir Putin và bất kỳ kẻ gây hấn nào khác về việc chúng ta sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công vào nền dân chủ của Mỹ". Trước đó, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng ông Donald Trump sẽ ký thông qua dự luật.

Phản ứng trước bước đi trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ trả đũa động thái trừng phạt của Washington nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, quyết định cách thức trả đũa chỉ được đưa ra khi dự luật được thông qua thành luật. Dự luật này dự kiến gây ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp của Nga và có nguy cơ khiến nền kinh tế nước này tiếp tục gặp nhiều tổn hại. Kinh tế Nga đang suy yếu do những lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này vào năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine.

Không chỉ khiến Nga tức giận, dự luật mới còn khiến Liên minh châu Âu (EU) lo ngại vì cho rằng những biện pháp mới sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của họ và cũng có thể có hành động phản ứng.

Xuân Mai - Người Lao Động (Theo Reuters)

--> Xem thêm các bài viết của mục tin hot trong ngày khác tại đây!

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.