Thêm giải pháp giải cứu kẹt xe khu Tân Sơn Nhất
Chuyên gia đề xuất tổ chức hai chiều cầu vượt Lăng Cha Cả và đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ cầu vượt đến đường Nguyễn Văn Trỗi.
Mới đây, liên danh một số nhà đầu tư đề xuất với Sở GTVT TP.HCM làm đường trên cao giải cứu kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng đường trên cao hoặc đường hầm đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư, xây dựng. Trước mắt có thể áp dụng các giải pháp đơn giản hơn để có thể kéo giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực.
Giảm tải giao thông ở vòng ngoài
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ông cùng các cộng sự của Trường ĐH Quốc tế đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu và đo đếm lượng xe lưu thông qua nhiều tuyến đường của khu vực sân bay TSN. Kết quả cho thấy có hai luồng giao thông chính đi vào khu vực sân bay.
Theo đó, luồng một từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn qua đường Bạch Đằng vào sân bay. Luồng còn lại từ các tuyến đường Cộng Hòa, Lê Văn Sỹ và Nguyễn Văn Trỗi đổ qua Trường Sơn để vào TSN. Qua đo đếm lượng xe cho thấy 30% số xe máy đi qua các luồng này thực sự vào sân bay và 70% còn lại là mượn đường, có đi ngang qua khu vực sân bay. Đối với ô tô thì tỉ lệ này là 38% có vào sân bay và 62% không vào sân bay.
“Qua so sánh nhiều phương án, chúng tôi lựa chọn đề xuất tổ chức hai chiều cầu vượt Lăng Cha Cả và đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ cầu vượt đến đường Nguyễn Văn Trỗi. Phương án này cần tính toán kỹ hơn vì sẽ ảnh hưởng đến giao thông khu vực đường Cộng Hòa” - PGS-TS Hồ Thanh Phong góp ý.
Tình trạng kẹt xe vẫn thường xảy ra ở khu vực Tân Sơn Nhất dù đã có cầu vượt. Ảnh: NT |
Không để xe dồn vào đường Trường Sơn
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, thực tế khi dự án TSN - Bình Lợi - Vành đai ngoài hoàn thành và kết nối với đường Trường Sơn, cơ quan quản lý chưa tính toán cụ thể lượng xe lưu thông theo trục đường này sẽ tăng lên.
Ông Cương cho rằng giải pháp tối ưu là phải tổ chức lại giao thông. Cụ thể là lên phương án tách các hướng lưu thông trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng... để hạn chế các phương tiện dồn đến đường Trường Sơn.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho biết: “Giải pháp cơ bản nhất là tăng khả năng thông hành trên đường Phạm Văn Đồng bằng hai giải pháp: Một là mở rộng không gian lưu thông cho đường Phạm Văn Đồng tại nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. Cụ thể là tăng thời gian cho phép xe máy chạy trên làn ô tô.
Hai là điều chỉnh đèn tín hiệu theo hướng tăng thời gian xanh cho đường Phạm Văn Đồng. tuy nhiên, trong giải pháp này thì thời gian xanh trên đường Phan Văn Trị sẽ giảm xuống, gây kẹt xe cho tuyến đường này. Do đó, giải pháp đầu tiên hợp lý hơn”.
“Riêng đối với nút giao vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, vào buổi sáng hướng lưu thông chính là từ Gò Vấp đi về Phú Nhuận chứ không phải từ Phú Nhuận về Gò Vấp. Điều này sẽ ngược lại vào buổi chiều. Có thể khi khảo sát giao thông, tư vấn thiết kế mới tính đến lưu lượng trung bình cho cả ngày chứ không tập trung vào phân tích đặc điểm dòng xe khác nhau giữa những giờ cao điểm sáng và cao điểm chiều. Trên thực tế, lưu lượng vào giờ cao điểm chiều cao hơn lưu lượng giờ cao điểm sáng. Do vậy, khi đặt hướng tuyến cầu vượt hiện nay chỉ giúp đảm bảo lưu thông do dòng xe cao ở những giờ cao điểm chiều, còn vào những giờ cao điểm sáng, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra” - TS Vũ Anh Tuấn chỉ ra một bất hợp lý để Sở GTVT có thể kịp thời điều chỉnh lại giao thông cho phù hợp.
|
Theo Hồng Trâm (PLO)
--> Xem thêm bài viết của mục tin hot trong ngày khác tại đây!
Viết bình luận
Bạn đã gửi bình luận thành công. Chúng tôi sẽ đăng bình luận của bạn sau khi kiểm duyệt.